Đăng bởi Admin vào ngày Tháng Tư 26th, 2016 trong mục

Lắp đặt nhà vệ sinh sinh học cho trường học tại xã miền núi Hố Quáng Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang – Một địa bàn thiếu nước nghiêm trọng

Công Nghệ Xanh cho Sức Khỏe Trẻ em tại Vùng cao thiếu nước

Nhà mình có nhà tiêu không? Một câu hỏi rất đời thường, và mọi người ở Hà Nội hay nhiều tỉnh đồng bằng khác sẽ bật cười, nhưng với các em nhỏ tại Xã Hố Quáng Phìn, Huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, thật khó để trả lời!

 

Nhà tiêu bị tắc do do thiếu nước

Thực trạng: Thiếu Nhà tiêu vì … thiếu nước!

Huyện Đồng văn ở vùng Cao Nguyên đá vôi của tỉnh Hà Giang, là một trong các huyện núi đá thường  xuyên thiếu nước trầm trọng, đặc biệt là trong mùa khô. Nước ăn và uống còn thiếu, nói gì đến nước để xả nhà tiêu (cách gọi của địa phương). Việc thiếu nhà tiêu đủ tiêu chuẩn chất lượng, thân thiện với môi trường, dễ dàng sử dụng và ít phải bảo trì là một vấn đề nghiêm trọng ở nhiều xã nông thôn tại Việt Nam và còn nghiêm trọng hơn nữa ở các xã miền núi, nơi thiếu thốn nguồn nước.

Thiếu nước, thiếu kiến thức dẫn đến vệ sinh không an toàn ở các trường học và các hộ gia đình, gây ra nhiều vấn đề cho trẻ em, cũng như cả cộng đồng, do nguy cơ cao mắc các bệnh dịch bệnh đường tiêu hóa và hô hấp. Vấn đề này còn làm ảnh hưởng đến tình hình kinh tế của các gia đình khi họ phải chi một phần thu nhập ít ỏi của mình cho thuốc men và năng suất lao động cũng giảm sút do bệnh tật. Mặc dù lãnh đạo tỉnh cũng tập trung xây dựng các nhà tiêu truyền thống sử dụng nước nhưng đa số đều hỏng và tắc sau một thời gian ngắn sử dụng do không có đủ nước để dội vào nhà tiêu. Các trường ở Đồng Văn rất cần một giải pháp an toàn, kinh tế và thân thiện với môi trường, dễ dàng sử dụng và bảo trì để xử lý rác thải từ con người.

Nhà tiêu sinh học KHÔNG sử dụng nước!

Nhận thấy nhu cầu cấp thiết về nhà tiêu không dùng nước của huyện Đồng Văn, đầu năm 2016, các cán bộ của Viện PHAD đã phát triển đề cương dự án Biotoilet và tìm kiếm nguồn tài trợ với hy vọng đưa công nghệ lên phục vụ đời sống bà con và học sinh dân tộc tại Hà giang. Với sự tài trợ tài chính của Đại sứ quán Úc (AusAID), các bên: Công ty Kỹ thuật Công nghệ Môi trường (ENVITECH), Công ty CHODAI Nhật Bản và Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển (Việt Nam) phối hợp chặt chẽ triển khai lắp đặt 06 Nhà tiêu sinh học không dùng nước tại điểm trường chính và các điểm trường ở bản làng tại Trường Tiểu học Dân tộc Bán trú Hố Quáng Phìn thuộc xã Hố Quáng Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.

 

Nhà tiêu sinh học là một phát kiến đột phá, đã được nghiên cứu và sử dụng tại nhiều nơi trên thế giới. Nhà tiêu sinh học tại Việt Nam được phát triển thông qua hợp tác với giải pháp và công nghệ từ công ty CHODAI Nhật Bản. Nhà tiêu sinh học không dung nước, hoạt động dựa trên nguyên lý kết hợp cơ học, sinh học và lý học. Hệ thống cơ học sẽ đảo trộn làm tang khả năng tiếp xúc của các vi sinh vật có lợi trong các giá thể phân hủy phân, nước tiểu, (chất thải từ người) thành C02 và nước bốc hơi. C02 và nước sẽ được hệ thống ổn nhiệt làm bốc hơi. Nhà tiêu hoàn toàn không cần sử dụng nước dội để làm sạch và phân hủy chất hữu cơ. Với công nghệ này, nhà tiêu có thể phân hủy chất thải từ người trong vòng 6-8h, giá thể (môi trường để vi sinh sinh sống) chỉ cầnbổ sung 06 tháng một lần. Các giá thể cũng có nguồn gốc hữu cơ từ các vật liệu sẵn có trong thiên nhiên như vỏ bào, trấu hay lõi ngô băm vụn.

 

Nhà tiêu sinh học không cần bảo trì nhiều, chỉ cần người sử dụng thực hiện đúng hướng dẫn sử dụng đã được các chuyên gia của Viện Dân số và Sức khỏe phát triển và tập huấn. Làm giá thể bổ sung vào toa lét cũng đơn giản, chỉ cần sử dụng các phế liệu ở trường như giấy vụn, tre, vỏ bào, vỏ trấu. Khi thay thế các giá thể, không cần bổ sung vi sinh vật. Phần giá thể thay ra được tận dụng làm phân bón sinh học an toàn cho môi trường.

Sử dụng Nhà tiêu sinh học như thế nào?

Vậy làm thế nào để sử dụng nhà tiêu sinh học đúng cách để giữ gìn, bảo quản nhà tiêu? Bác sĩ Nguyễn Trung Chiến, Bác sĩ Kiều Bình và Cử nhân Hạnh Phúc (Viện Dân số, Sức Khỏe và Phát triển – PHAD) đã xây dựng các hướng dẫnsử dụng và  tập huấn giáo dục và Truyền thông về việc sử dụng nhà tiêu sinh học đúng cách và giữ gìn vệ sinh chung, vệ sinh cá nhân cho giáo viên và học sinh của trường.

Ngoài các tài liệu hướng dẫn được lắp đặt ở các vị trí hợp lý tại tất cả các nhà tiêu sinh học, nhóm cán bộ của PHAD còn xây dựng video lồng tiếng H’Mông minh họa cách sử dụng nhà tiêu đúng cách, cách rửa tay sau khi đi vệ sinh và cách lau dọn nhà tiêu hợp lý để đảm bảo chất lượng nhà tiêu.

Nhà tiêu sinh học là một giải pháp hợp vệ sinh, an toàn và riêng tư, kín đáo cho trẻ em. Mỗi nhà tiêu có thể được sử dụng 100 lần/ngày, đáp ứng một cách hiệu quả nhu cầu của trẻ em tại trường. Trẻ em sử dụng dung dịch rửa tay khô để giữ gìn vệ sinh cá nhân và giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh.

Nhà tiêu sinh học giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của các em học sinh, giáo viên, cũng như cộng đồng tại đây.Đây là một nỗ lực của PHAD nhằm đưa công nghệ vào phục vụ đời sống và sức khỏe cộng đồng tại các vùng khó khăn.

Khó khăn và hướng đi trong thời gian tới

Một trong các khó khăn mà PHAD gặp phải là giá thành của sản phẩm khá cao. Hiện tại, Biotoilet được sản xuất hầu hết theo tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe của Nhật bản. Do đó, giá thành khá cao (khoảng $7,000/bộ), với giá thành này, hầu như nó nằm ngoài tầm với của các hộ gia đình mà chỉ có thể được hỗ trợ từ các dự án. Ngay cả việc nguồn kinh phí duy trì nước sát trùng sau khi đi vệ sinh cũng là vấn đề nan giải. Trước mắt, PHAD sẽ tìm kiếm nguồn hỗ trợ từ các nhà hảo tâm nhằm duy trì nước rửa tay cho các cháu. Nhưng về lâu dài cần có những giải pháp bền vững hơn ví dụ tạo nguồn thu từ  các hoạt động tại cộng đồng để duy trì nguồn hỗ trợ cho Bio-tolets tại trường Hố Quáng Phìn.

Sau dự án này, mô hình nhà tiêu sinh học có thể được nhân rộng ra các vùng miền khó khăn khác của cả nước, giúp tăng cường vệ sinh chung, vệ sinh cá nhân, đưa sức khỏe xanh tới cộng đồng.