Đăng bởi Admin vào ngày Tháng Một 23rd, 2015 trong mục

Chuyến thăm và làm việc của các chuyên gia từ Đại học Simon Fraser

Trong khoảng thời gian từ 24 – 28/3/2014, tiến sĩ Elliot Goldner, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo về Sức khỏe Tâm thần và Nghiện chất, Đại học Simon Fraser (SFU), Canada và bà Jill Murphy, nghiên cứu sinh tại SFU đã sang thăm và làm việc với các đối tác tại Việt Nam trong khuôn khổ dự án “Nghiên cứu khả thi chuẩn bị cho Nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng về tăng cường chăm sóc sức khỏe tâm thần ban đầu dựa vào cộng đồng”. Trong 5 ngày này, với vai trò là đối tác chính của SFU tại Việt Nam, Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển (PHAD) đã có các buổi thảo luận cùng các đại diện của SFU về kế hoạch hợp tác và triển khai dự án cũng như tổ chức các buổi gặp gỡ giữa nhóm nghiên cứu với đại diện các bên liên quan như Bộ Y tế, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (NIHE), Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia – Bệnh viện Bạch Mai (NIMH), Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam, 2 Trung tâm Y tế (TTYT) của các quận/huyện được chọn tham gia vào dự án (quận Đống Đa và huyện Thạch Thất).

Các buổi thảo luân đã đi đến thống nhất về kế hoạch triển khai dự án cũng như kế hoạch phối hợp giữa các bên liện quan trong thời gian tới. Theo đó, một trong những hoạt động ưu tiên hàng đầu trong 2-3 tháng tới là phát triển và ký kết các Biên bản Ghi nhớ Hợp tác (MOUs) giữa PHAD và NIHE, NIMH để có sự phân công rõ ràng trong công việc của từng tổ chức khi tham gia vào dự án. Một hoạt động ưu tiên khác là chọn lựa, dịch sang tiếng Việt và chuẩn hóa bộ công cụ đo lường trầm cảm. PHAD sẽ phối hợp chặt chẽ với NIMH để thực hiện hoạt động này. Bên cạnh đó, PHAD sẽ cùng thảo luận với NIHE để đưa ra các tiêu chí lựa chọn 8 xã/phường tại 2 quận/huyện, tiêu chí lựa chọn đối tượng cũng như kế hoạch huy động sự tham gia của họ vào nghiên cứu. Đây là các bước quan trọng trước khi tiến hành thử nghiệm các công cụ được lựa chọn tại cộng đồng.

Qua tất cả các buổi thảo luận với đại diện các bên liên quan, nhóm nghiên cứu thấy rằng, các hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm thần ban đầu tại cộng đồng tại Việt Nam vẫn còn khá hạn chế, tập trung chủ yếu vào các bệnh nhân tâm thần nặng như tâm thần phân liệt và động kinh. Với các bệnh nhân với các triệu chứng tâm thần nhẹ như trầm cảm và stress thì hầu như vẫn bỏ ngỏ. Chính vì vậy, nghiên cứu thử nghiệm này sẽ là một bước quan trọng nhằm xác định tính khả thi của việc tăng cường chăm sóc sức khỏe tâm thần ban đầu thông quan việc nhận diện và điều trị trầm cảm, góp phần vào việc nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần ban đầu tại Việt Nam.