Đăng bởi Admin vào ngày Tháng Một 29th, 2019 trong mục

Chiến dịch truyền thông “Hành trình Đại sứ Nước” – Dự án “Các hoạt động địa phương Việt Nam vì Sức khỏe Môi trường”

CHIẾN DỊCH TRUYỀN THÔNG “HÀNH TRÌNH ĐẠI SỨ NƯỚC”

Tuần từ 21-25.1.2019, Viện Dân số Sức khoẻ và Phát triển (PHAD) phối hợp với Viện nghiên cứu Quản lý phát triển bền vững (MSD) chính thức phát động chiến dịch truyền thông cộng đồng “HÀNH TRÌNH ĐẠI SỨ NƯỚC”. Chiến dịch nằm trong khuôn khổ Dự án “Các Hoạt động Địa phương Việt Nam vì Sức khỏe Môi trường” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.

Chiến dịch khởi động với 05 buổi truyền thông diện rộng tại xã Tràng An và Bình Nghĩa, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam cho gần 3.600 học sinh mẫu giáo, tiểu học và trung học cơ sở. Trong ngày 24-25/01/2019, chiến dịch tiếp tục lan tỏa tới 07 trường thuộc các xã Tế Thắng (huyện Nông Cống) và Hà Lâm (huyện Hà Trung), tỉnh Thanh Hóa cho gần 1.800 học sinh. Với thông điệp “Nguồn nước trong lành, quanh năm khỏe mạnh”, chiến dịch “HÀNH TRÌNH ĐẠI SỨ NƯỚC” hướng tới nâng cao nhận thức của các em học sinh về tầm quan trọng của nước sạch đối với con người, và nhấn mạnh nước sạch là tài nguyên hữu hạn cần được bảo vệ thông qua việc sử dụng tiết kiệm đồng thời hạn chế xả rác, chất thải ra môi trường. Sử dụng cách tiếp cận mới – Giáo dục Đồng đẳng Sáng tạo, các bạn sinh viên đại học – các Đại sứ Nước, những người đã được đào tạo và tập huấn về các chủ đề liên quan là những nhân tố chính thực hiện truyền thông với các phương pháp giáo dục hiện đại, thân thiện, khuyến khích sự tham gia của trẻ: học mà chơi, chơi mà học. Các hoạt động đã chuyển tải từng thông điệp cụ thể đến các em học sinh. Nếu như trò chơi Rung chuông vàng giúp các em nhận thức rõ về vai trò của nước với cơ thể con người thì vở kịch ngắn “Đại sứ Nước” đã kể cho các em về hành trình của nước để các em hiểu rằng nước không phải vô tận và rất cần được bảo vệ. Chương trình kết thúc với hoạt động hướng dẫn nhảy flashmob qua bài hát “Hãy rửa tay bạn nhé!” do nhạc sỹ Nguyễn Văn Chung sáng tác đã khéo léo nhắc nhở các em các bước rửa tay đúng cách. Chiến dịch thực sự đem lại cho các em học sinh một không gian học tập tích cực, vui vẻ, có tính tương tác cao và hiệu quả trong việc thay đổi nhận thức và hành vi của các em.

13

Tình nguyện viên giao lưu cùng các em tại trường Mầm non – Ảnh PHAD

Em Phí Gia Bảo học sinh lớp 5, trường Tiểu học Hà Lâm chia sẻ “Con rất thích chương trình hôm nay của các anh chị Đại sứ Nước. Con thích nhất là nhảy bài “Hãy rửa tay bạn nhé!”, con sẽ về dạy lại em của con và cả bốmẹ nữa”. Em Trịnh Xuân Đạt học sinh lớp 8A, trường THCS Tế Thắng thì chia sẻ “Con học được rất nhiều kiến thức mới, hoá ra nước giếng khoan đun lên vẫn chưa uống được, con phải về chia sẻ với bố mẹ mình. Con cũng thấy mình cần phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường nước tốt hơn, ví dụ phải tiết kiệm nước, không được vứt rác thải ra sông hồ, giữ gìn nguồn nước sạch”, v.v.

Truyền thông tại các trường học - Ảnh PHAD

Truyền thông tại các trường học – Ảnh PHAD

Các thầy cô giáo tại các trường cũng có những chia sẻ ủng hộ các buổi truyền thông của các Đại sứ Nước. Cô Nguyễn Thị Hương – Hiệu trưởng trường THCS Hà Lâm chia sẻ: “Kiến thức này chúng tôi cũng dạy trong nhà trường phần nào nhưng chiến dịch có phương pháp rất sáng tạo và hiệu quả, học sinh học rất vui và ghi nhớ được nhiều bài học và thông điệp quý. Chúng tôi sẽ học tập và sử dụng các tài liệu từ chương trình để tiếp tục dạy và truyền thông cho học sinh”.

7

Hướng dẫn rửa tay đúng cách cho các em học sinh trường Mầm non Tế Thắng – Ảnh PHAD

Ông Vũ Công Nguyên – Phó Viện trưởng Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển chia sẻ: ¨Lý do chúng tôi chọn xã Tràng An và Bình Nghĩa (Hà Nam), xã Tế Thắng và Hà Lâm (Thanh Hóa) là điểm khởi đầu cho chiến dịch vì đây là những nơi vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề nước và sử dụng nước sạch. Kiến thức cũng như thực hành của người dân về nguồn nước và tiêu chuẩn nguồn nước còn vô cùng hạn chế. Đặc biệt, người dân ở hai xã thuộc tỉnh Thanh hóa hoàn toàn chưa được tiếp cận được với nước máy. Dự án sẽ tập trung hỗ trợ các địa bàn này trong thời gian tới”.

Ông Nguyễn Kiều Cương – Giám đốc dự án nhận định: “Trẻ em là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất về vấn đề về nước sạch. Theo khảo sát của dự án, xã Bình Nghĩa (Hà Nam) có hơn 13.3% trẻ em dưới 5 tuổi mắc bệnh liên quan tới nước (tiêu chảy). Tuy nhiên, tôi tin rằng nếu được tuyên truyền và chia sẻ kiến thức, các em cũng là đối tượng tiếp thu và thay đổi nhanh nhất, thậm chí còn có thể chia sẻ lại cho người lớn. Mong muốn của chúng tôi là không chỉ dừng lại ở hai tỉnh Hà Nam và Thanh Hóa, mà còn nâng cao nhận thức của cộng đồng nói chung về chủ đề này”.

Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) chia sẻ: “Trong không khí sum vầy chuẩn bị đón Tết, các buổi truyền thông tại trường mang lại những giây phút vừa vui vẻ và bổ ích cho các em học sinh. Chúng tôi hy vọng rằng với những kiến thức được chia sẻ, mỗi em học sinh sẽ vận dụng ngay trong dịp Tết, nhớ được thông điệp về sử dụng và bảo vệ nguồn nước, mỗi em sẽ là một Đại sứ Nước để tiếp tục lan toả thông điệp đến bạn bè và người thân trong gia đình. Chiến dịch truyền thông Đại Sứ Nước sẽ tiếp tục trong năm 2019 với nhiều hoạt động đa dạng như gây quỹ cộng đồng cho việc xây dựng các công trình nước sạch và vệ sinh cho trường học, huy động các nguồn lực và sáng kiến địa phương trong nhằm đưa ra các giải pháp nước sạch, vệ sinh môi trường và tuyên truyền trên phạm vi toàn quốc về chủ đề này”.

Dự tính trong tháng 3, HÀNH TRÌNH ĐẠI SỨ NƯỚC sẽ tiếp tục tổ chức truyền thông cộng đồng cho khoảng 1,000 người nhân dịp Lễ Khánh thành và Bàn giao các hệ thống cấp nước sạch tại xã Hà Lâm, Thanh Hóa. Trong tháng 4, chiến dịch sẽ tổ chức Ngày hội Đại sứ Nước với nhiều hoạt động trải nghiệm, chia sẻ kiến thức cho các gia đình, và biểu diễn nghệ thuật tại Hà Nội nhằm hưởng ứng ngày Nước sạch Thế giới. Cùng với đó là các hoạt động truyền thông trên mạng xã hội và gây quỹ cho dự án “Các Hoạt động Địa phương Việt Nam vì Sức khỏe Môi trường”.

Dự án “Các Hoạt động Địa phương Việt Nam vì Sức khỏe Môi trường” là một sáng kiến địa phương triển khai trong 5 năm (2017-2022) được tài trợ bởi USAID và thực hiện bởi Viện PHAD và các đối tác nhằm nâng cao năng lực của các tổ chức địa phương và tăng cường quan hệ hợp tác trong việc giải quyết các thách thức về sức khỏe môi trường một cách thiết thực và bền vững, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến nước và sức khỏe cộng đồng. Dự án tập trung vào việc xử lý các vấn đề sức khỏe cộng đồng tại Hà Nam và Thanh Hoá thông qua việc thúc đẩy nguồn lực và huy động sự tham gia đa dạng của các tổ chức địa phương nhằm tăng cường tiếp cận với nước sạch và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh tại các xã nghèo. Dự án cũng hướng đến việc cung cấp các giải pháp bền vững thông qua việc ứng dụng công nghệ tiên tiến nhằm giải quyết các vấn đề về nước ăn uống và sinh hoạt.

Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID)
USAID là cơ quan phát triển quốc tế hàng đầu thế giới và là một tác nhân thúc đẩy kết quả của sự phát triển. Mục tiêu của USAID tăng cường an ninh quốc gia và sự phồn vinh kinh tế của Hoa Kỳ, thể hiện sự hỗ trợ hào phóng của nhân dân Mỹ, và thúc đẩy tiến trình để các quốc gia nhận hỗ trợ trở nên tự lực và bền vững. Vui lòng truy cập www.usaid.gov hoặc theo dõi https://www.facebook.com/USAID/ để biết thêm thông tin.

Viện Dân số Sức khoẻ và Phát triển (PHAD)
Viện PHAD là một tổ chức phi lợi nhuận về khoa học và kỹ thuật là thành viên của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA). PHAD đề cao tinh thần hợp tác lâu dài trong công việc và luôn cô gắng để cung cấp các tư vấn độc lập, khách quan, dựa trên bằng chứng cho các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia về y tế, các tổ chức tư nhân và công chúng. PHAD tin rằng mọi người xứng đáng được sống trong một môi trường kinh tế, xã hội và thể chất lành mạnh và có sức khỏe tốt. PHAD là một tổ chức nghiên cứu liên ngành hướng đến việc tìm hiểu và nâng cao sức khỏe của người dân, đặc biệt là phụ nữ và các nhóm xã hội dễ bị tổn thương, thông qua nghiên cứu, đào tạo và can thiệp hỗ trợ sức khoẻ cộng đồng. Tìm hiểu thêm về PHAD tại https://www.phad.org.

Viện Nghiên cứu Quản lý phát triển bền vững (MSD)
Là một tổ chức phi chính phủ Việt Nam, Viện MSD nỗ lực hành động vì một môi trường phát triển thuận lợi cho sự phát triển của khối các tổ chức xã hội và thúc đẩy việc thực hiện quyền của các nhóm cộng đồng bị lề hoá và dễ bị tổn thương, đặc biệt là nhóm trẻ em, thanh niên, phụ nữ và người khuyết tật. MSD nỗ lực tạo ra các giá trị và đạt được những tác động địa phương tích cực thông qua các phương pháp làm việc độc đáo, sáng tạo, phát huy tính sở hữu và nâng cao năng lực của cộng đồng. Tìm hiểu về MSD tại: www.msdvietnam.org