Đăng bởi Admin vào ngày Tháng Mười Hai 3rd, 2021 trong mục

Câu chuyện cổ tích có thực – ĐỜI CẦN CÓ NHAU

Anh Xuyên và chị Giàu – hai vợ chồng khuyết tật sinh ra tại hai gia đình thuộc vùng quê nghèo của tỉnh Bình Định. Anh Xuyên bị viêm dính khớp từ nhỏ, chân tay teo nhỏ, đi lại khó khăn. Chị Giàu bị bại liệt sau một trận sốt cao khi mới hơn 1 tuổi. Gia đình chị đã đưa chị đi chữa chạy và phục hồi chức năng nhiều nơi nhưng tình trạng không tiến triển được nhiều. Chị bị liệt hai chi dưới, phải đi lại bằng xe lăn và nhờ sự hỗ trợ của người khác.

Được sự ủng hộ từ gia đình, năm 2007, hai anh chị được đi học tại trung tâm khuyết tật Đồng Tâm, tỉnh Bình Định với mong muốn vượt lên hoàn cảnh, có nghề nghiệp và kiếm tiền, tự nuôi sống bản thân. Chị Giàu tham gia lớp học may và mây tre đan, anh Xuyên học sửa chữa điện cơ. Tại đây, hai anh chị gặp nhau, làm quen nhau và bắt đầu câu chuyện tình cảm của 2 con người đồng cảnh ngộ.

Cuộc sống của gia đình nhỏ vốn gặp nhiều trắc trở. Chị Giàu sinh em bé đầu tiên chưa đầy 1 tháng tuổi, bố chị Giàu qua đời vì bệnh. Gia đình anh Xuyên không đủ điều kiện để nuôi đứa bé và trợ giúp cho hai anh chị, nên họ quyết định mỗi người một nơi: chị Giàu về nhà mẹ đẻ sống cùng mẹ và nuôi đứa bé, anh Xuyên sống cùng bố mẹ đẻ của anh. Sau biến cố đó, chị Giàu quyết tâm chứng tỏ với mọi người rằng anh chị có thể tự kiếm sống để tự lo cho gia đình của mình, chị Giàu đã quyết tâm vào miền Nam kiếm tiền. Tạm thời rời gia đình và đứa con nhỏ chưa thôi sữa, chị Giàu vào Sài Gòn mưu sinh. Với sự động viên của anh Xuyên, gia đình và quyết tâm của của bản thân, sau hai năm bươn chải tại Sài Gòn, chị tích cóp được ít tiền và dự định quay trở về. Thấy được sự quyết tâm vươn lên của chị Giàu, gia đình anh Xuyên cũng đồng ý để hai anh chị về chung sống với nhau.

Cuộc sống hạnh phúc của hai anh chị bắt đầu. Sau khi trở về Bình Định, chị Giàu và anh Xuyên được Hội Chữ thập đỏ, Hội Người Khuyết tật và Quyền Trẻ em, và chính quyền địa phương kêu gọi xây tặng ngôi nhà tình thương dành cho hai anh chị. Với số vốn của mình, chị Giàu đã mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ, anh Xuyên cũng tự mở quán sửa chữa đồ điện để kiếm sống, hai người quyết tâm chứng tỏ với mọi người rằng: họ tàn nhưng không phế. Anh Xuyên trực tiếp cùng tham gia vào quá trình xây dựng ngôi nhà tình thương của họ với sự giúp đỡ từ chính quyền. Anh tự tay sáng tạo để ngôi nhà phù hợp hơn tình trạng khuyết tật của chị Giàu: khu vực bếp được xây với độ cao vừa phải để cả anh và chị Giàu có thể với tới nấu được; khu vực nhà vệ sinh được thiết kế với thanh vịn, vòi nước ở vị trí thấp – dễ dàng cho chị Giàu sử dụng; hệ thống điện trong nhà cũng do anh Xuyên thiết kế với ổ điện có độ cao phù hợp với chị Giàu. Ngoài ra, anh còn tự sáng chế cho chị Giàu một chiếc ván trượt để chị có thể dễ dàng di chuyển trong nhà: chiếc ván trượt được thiết kế với 4 bánh xe tại bốn góc để có thể dễ dàng di chuyển, với phần nệm ở mặt ván giúp chị Giàu ngồi êm hơn… Còn rất nhiều đồ dùng và dụng cụ trong nhà, anh Xuyên đã sáng tạo và thiết kế để giúp không những anh, và còn giúp chị Giàu có một cuộc sống dễ dàng hơn. Dự án Hãy nắm tay tôi đã truyền cảm hứng cho anh chị trong việc cải tạo ngôi nhà của mình trong sinh hoạt hàng ngày hơn nữa: bắt đầu sử dụng xe lăn cho chị Giàu, để phòng chống nguy cơ trượt ngã cũng như thuận tiện cho việc nấu ăn của chị. Anh chị là tấm gương của tinh thần vượt lên hoàn cảnh, sự sáng tạo và độc lập.

Không chỉ sống một cuộc sống hạnh phúc cho riêng mình, vợ chồng anh Xuyên chị Giàu còn mang lại niềm hạnh phúc cho những người đồng cảnh ngộ khác. Anh Xuyên đã đào tạo được 2 người khuyết tật khác có hoàn cảnh giống anh nghề sửa chữa điện, và hai người đó cũng đã có thể về địa phương, tự họ có nghề để kiếm tiền nuôi sống bản thân. Anh chị cũng thường xuyên  kết nối mọi người trong nhóm khuyết tật để cùng chia sẻ với nhau niềm tin và tinh thần lạc quan trong cuộc sống. Anh Xuyên và chị Giàu mong muốn được chia sẻ câu chuyện của mình nhiều hơn nữa tới những người đồng cảnh ngộ khác, có thể giúp đỡ hơn cho nhiều người khuyết tật có được cơ hội học việc làm, để mọi người có thể lạc quan hơn và có niềm tin hơn vào cuộc sống.

Câu chuyện trên là một trong số hàng nghìn người khuyết tật tại Bình Định. Chúng tôi, Dự án Hãy nắm tay tôi đã và đang có những hoạt động nhằm nâng cao hoạt động chăm sóc và trợ giúp xã hội cho người khuyết tật tại Việt Nam, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống của Người khuyết tật và gia đình.

Nhân ngày Quốc tế Người khuyết tật 3/12, Dự án HMH/Viện PHAD muốn gửi tới tất cả mọi người câu chuyện ý nghĩa này, hòa chung với không khí kỉ niệm của ngày lễ, nhằm nâng cao nhận thức các về vấn đề người khuyết tật, quyền của được hòa nhập vào mọi lĩnh vực của cuộc sống như chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa trong cộng đồng.